Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tấn Tài chủ trì cuộc họp
Chiều ngày 13 tháng 01 năm 2018, tại Sở GTVT, Giám đốc Sở kiêm Phó Trưởng Ban thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh Nguyễn Tấn Tài đã chủ trì cuộc họp đột xuất để chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Tham dự họp có các đồng chí là cán bộ chủ chốt các phòng nghiệp vụ Sở, Thanh tra Sở; Lãnh đạo và toàn thể cán bộ giám sát Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng ngành giao thông (BQLDA); Giám đốc và Chỉ huy trưởng công trình các đơn vị thi công các công trình do Sở GTVT và BQLDA đang làm chủ đầu tư.
Giám đốc Sở Nguyễn Tấn Tài báo cáo tóm tắt về tình hình tai nạn giao thông năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 191 vụ, làm chết 76 người, bị thương 172 người. So với năm 2016 tăng cả 03 tiêu chí, số vụ tăng 30 vụ (+18,6%), số chết tăng 21 người (+38,2%), số bị thương tăng 15 người (+9,6%); Tháng 01/2018 (từ ngày 16/12/2017- 11/01/2018) xảy ra 35 vụ, làm chết 16 người, bị thương 23 người. So với cùng kỳ, số vụ tăng 18 vụ (+106%), số chết tăng 13 người (+433,3%), số bị thương bằng so với cùng kỳ; Đặc biệt, trong ngày 11/01/2017 đã xảy ra 05 vụ làm chết 04 người, bị thương 01 người.
Mặc dù trong thời gian qua toàn ngành đã tập trung phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát trật tự ATGT. Tuy nhiên, tình hình TNGT có chiều hướng diễn biến phức tạp, bởi tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Do đó, cần phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe các báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ý kiến của các đơn vị thi công, Giám đốc Sở cám ơn và đánh giá cao những nỗ lực của toàn thể cán bộ, CCVC toàn ngành, của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh và những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu dự họp về các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trước những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông vẫn còn rất lớn. Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo toàn ngành phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Phòng Kế hoạch – Tài chính – Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Phòng KHTC – QLKCHTGT):
- Chấn chỉnh và tăng cường quản lý đối với công tác tuần đường trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ GTVT, gắn công tác tuần tra đường với công tác duy tu không dùng vật liệu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của hệ thống đường tỉnh; tăng cường giám sát Nhà thầu thực hiện công tác tuần đường, yêu cầu phải đáp ứng đủ trình độ, năng lực của nhân viên tuần đường theo quy định. Trong đó, phải phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm rõ ràng đối với nhân viên tuần đường. Tất cả tình trạng cầu, đường, tình hình vi phạm công trình, hành lang an toàn đường bộ, các diễn biến bất thường phải được xử lý, phản ánh thông tin kịp thời và ghi chép đầy đủ theo nghiệp vụ.
- Giám sát chặt chẽ biện pháp đảm bảo ATGT đối với các đơn vị thi công, yêu cầu phải phải thực hiện đúng biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất, phải bảm đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, không được để gây ùn tắc, mất an toàn.
- Khẩn trương phối hợp hoàn chỉnh công tác thẩm định, trình phê duyệt, triển khai công tác đấu thầu lắp đặt 18 chốt đèn tín hiệu giao thông.
- Tham mưu Lãnh đạo Sở đề nghị Lãnh đạo huyện và các đơn vị nghiệp vụ huyện Dương Minh Châu tổ chức khảo sát, thống nhất tận dụng đèn, tay đèn chiếu sáng cũ tháo dỡ từ các tuyến đường trên địa bàn thành phố để triển khai lắp đặt một số đoạn có nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường tỉnh ĐT 784.
- Kiểm tra, rà soát các nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Tổng hợp kết quả những nội dung kiến nghị đã được xử lý khắc phục; những nội dung chưa được xử lý và nguyên nhân, trên cơ sở đó báo cáo Ban Giám đốc cho ý kiến thực hiện.
- Kiểm tra, rà soát và tham mưu triển khai công tác sơn phân làn, vạch người đi bộ những vị trí mờ, mất nét; Bổ sung, thay thế biển báo hư hỏng các giao lộ, những vị trí đường cong, cua nguy hiểm trên các tuyến đường tỉnh quản lý theo "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ" QCVN 41/2016/BGTVT. Đồng thời tham mưu phát hành văn bản gửi Phòng kinh tế - Hạ tầng các huyện đề nghị tổ chức thực hiện công tác này trên các tuyến đường huyện quản lý. Thực hiện hoàn thành công tác này và báo cáo về Sở GTVT trước ngày 30/4/2018.
2. Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông (Phòng QLCLCTGT):
- Giao nhiệm vụ cho Phòng QLCLCTGT chủ trì phối hợp với Phòng KHTCQLKCHTGT và các đơn vị thi công nghiên cứu, đề xuất các biện pháp thi công, xử lý ổ gà, đề xuất loại vật liệu phù hợp để áp dụng sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa, láng nhựa. Đảm bảo rút ngắn được thời gian thi công, giảm thiểu ùn tắc giao thông và mất an toàn giao thông.
- Phối hợp hoàn chỉnh công tác thẩm định, trình phê duyệt, triển khai công tác đấu thầu lắp đặt 18 chốt đèn tín hiệu giao thông.
3. Phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và Người lái (Phòng QLVT, PT-NL):
- Phối hợp với Thanh tra giao thông xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe. Trong đó chú trọng chuyên đề đạo đức người lái xe. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đào tạo, thi tốt nghiệp ở tất cả các đơn vị đào tạo trong tỉnh, chú trọng hình thức kiểm tra, giám sát đột xuất, không để cắt giảm thời lượng đào tạo. Qua công tác kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe tại địa phương.
- Tham mưu Lãnh đạo Sở phát hành văn bản gửi các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe có sai phạm trong việc sử dụng Giấy khám sức khỏe của Người xin học lái xe để chấn chỉnh, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe tại địa phương.
- Tăng cường công tác theo dõi, tổng hợp tất cả các thông báo của cơ quan chức năng về những trường hợp vi phạm bị tước GPLX để làm cơ sở kiểm tra, đối chiếu đối với các trường hợp đề nghị cấp lại GPLX, nếu phát hiện hành vi gian dối, giả khai báo mất sẽ tiến hành thu hồi hồ sơ gốc và GPLX theo quy định.
- Lập kế hoạch phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền tại các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh phù hợp với nhiều đối tượng nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông.
- Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ GTVT.
- Tăng cường thực hiện kiểm tra chuyên đề về truyền dữ liệu và thời gian lái xe liên tục; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành. Tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở GTVT (địa chỉ http://www.sogtvt.tayninh.gov.vn) danh sách các xe bị xử lý thu hồi phù hiệu, xe vi phạm không truyền dữ liệu để người dân theo dõi, giám sát và xem đây là công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
- Phối hợp với Thanh tra giao thông mời các đơn vị vận tải hành khách, vận tải hàng hóa ký cam kết không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, như: không chở quá tải, lái xe không uống rượu, bia, chấp hành thời gian lái xe theo quy định, điều khiển phương tiện đúng tốc độ quy định, thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe,...
- Phối hợp với Thanh tra giao thông triển khai thực hiện Quyết định số 3442/QĐ-BGTVT, ngày 13/12/2017 của Bộ Trưởng Bộ GTVT về ban hành Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018; Kế hoạch số 3372/KH-UBND, ngày 14/12/2017 của UBND tỉnh về tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tết Dương lịch, tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.
4. Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng ngành giao thông (BQLDA):
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhà thầu trong suốt quá trình thi công, bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Trường hợp nhà thầu vi phạm và đã nhận được khuyến cáo của chủ đầu tư nhưng không chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, tiếp tục để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông khi thi công thì BQLDA xem xét xử phạt kinh tế theo Hợp đồng hoặc báo cáo Lãnh đạo Sở để có biện pháp xử lý thích hợp.
- Khi ký kết hợp đồng xây dựng, BQLDA phải thỏa thuận với nhà thầu thi công điều, khoản xử phạt vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình.
- Cung cấp đầy đủ cho Thanh tra giao thông các tài liệu liên quan trong quá trình tổ chức thi công, bao gồm: Quyết định trúng thầu; Hồ sơ thiết kế; Lệnh Khởi công; Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi thi công do nhà thầu lập, để Thanh tra giao thông tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có). Trong trường hợp đơn vị thi công sai phạm do chủ quan, thiếu trách nhiệm gây hậu quả TNGT thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời cán bộ giám sát A cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp do sai phạm của đơn vị thi công.
5. Thanh tra giao thông vận tải:
- Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, cương quyết lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; Giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cá nhân và chỉ tiêu thi đua cho Đội Thanh tra giao thông địa bàn trong công tác xử lý các vi phạm hành lang an toàn giao thông.
- Căn cứ các tài liệu liên quan trong quá trình tổ chức thi công do BALDA cung cấp, thường xuyên tiến hành công tác tuần tra, kiểm tra. Nếu phát hiện nhà thầu sai phạm, nhất là các hành vi tái sai phạm thì cương quyết xử lý, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
- Lập Kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định số 3442/QĐ-BGTVT, ngày 13/12/2017 của Bộ Trưởng Bộ GTVT về ban hành Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018; Kế hoạch số 3372/KH-UBND, ngày 14/12/2017 của UBND tỉnh về tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tết Dương lịch, tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018;
- Thường xuyên thực hiện Quyết định số 1632/QĐ-UBND, ngày 18/7/2017 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cơi nới thùng xe, chở vượt tải trọng cho phép; Xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với phương tiện không đăng kiểm an toàn kỹ thuật theo quy định; Kiểm tra, xử lý các điểm đón trả khách trái phép, các xe hoạt động kinh doanh vận tải không có lệnh vận chuyển, không gắn thiết bị giám sát hành trình, đón trả khách, dừng, đỗ không đúng nơi quy định; áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định.
- Chịu trách nhiệm phản ánh kịp thời đến Lãnh đạo Sở những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ và diễn biến các vụ tai nạn giao thông.
- Duy trì việc xây dựng hình ảnh cán bộ thanh tra giao thông Tây Ninh liêm chính, chuyên nghiệp và khiên tốn đối với người dân;
6. Đối với các đơn vị thi công các công trình do Sở GTVT và BQLDA đang làm chủ đầu tư:
- Các đơn vị thi công phải chịu sự kiểm tra của Chủ đầu tư và Thanh tra giao thông trong việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông khi thi công.
- Trước khi khởi công, phối hợp với cán bộ giám sát A cung cấp đầy đủ cho Thanh tra giao thông Quyết định trúng thầu; Hồ sơ thiết kế; Lệnh Khởi công; Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi thi công do nhà thầu lập, để Thanh tra giao thông tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có). Trong trường hợp đơn vị thi công sai phạm do chủ quan, thiếu trách nhiệm gây hậu quả TNGT thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Yêu cầu phải thực hiện đúng biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất, phải bảm đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, không được để gây ùn tắc, mất an toàn; trong suốt thời gian thi công bắt buộc phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo đúng quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm. Ngoài giờ thi công, xe máy thi công phải được tập kết vào bãi, hoặc phải đưa vào sát lề đường, tại những nơi dễ phát hiện và có báo hiệu rõ cho người tham gia giao thông trên đường nhận biết.
Download File: 12. KL-CĐ-GĐ-SGTVT.pdf
VĂN PHÒNG SỞ (Tổng hợp và đưa tin).
Ý kiến bạn đọc