Kết quả công tác dân vận là thước đo sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị

Chủ nhật - 16/07/2023 14:31 351 0
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu 6 tháng cuối năm, ngành Dân vận tiếp tục nỗ lực với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong đó kết quả công tác dân vận chính là thước đo sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên,...

Sáng 14/7, tại TP.Đà Nẵng, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và chủ trì hội nghị.
 

danvan8 tw

6 tháng đầu năm 2023, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

Hệ thống dân vận các cấp đã chủ động, phối hợp tốt với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, tham gia tích cực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo quốc phòng- an ninh, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thân cho nhân dân. 

Trong các kết quả chung, đáng kể là Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác dân vận, nhất là cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện đề án Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; ban hành 04 kết luận về công tác dân vận...

Các tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng, phù hợp với thực tiễn địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tăng cường đổi mới, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác dân vận nhằm khơi dậy sức sáng tạo, tính tự chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Một số tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành được nhiều cơ chế chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Hậu Giang, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định, Hải Phòng…. 

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nhiều kết quả tích cực; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Nhiều Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo tổ chức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới... để phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, tổ chức biểu dương khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu để lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo như: Sơn La, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hải Dương, Phú Thọ, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 139.062 mô hình đăng ký; số mô hình được công nhận là 36.181 tập thể, 16.187 cá nhân. Trong đó, về lĩnh vực kinh tế có 18.741 tập thể, 19.006 cá nhân; về lĩnh vực văn hóa xã hội có 35.679 tập thể, 20.047 cá nhân; về quốc phòng, an ninh có 11.219 tập thể, 6.151 cá nhân; trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 9.840 tập thể, 9.184 cá nhân...
 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thực tiễn công tác của địa phương, đơn vị; bổ sung, chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện, làm sâu sắc thêm kết quả; đóng góp những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện công tác dân vận trong thời gian tới. 

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Ban Dân vận các cấp tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch, chương trình công tác dân vận năm 2023; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận và các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác dân vận.

Tích cực, chủ động triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về công tác dân vận.

Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các Ban chỉ đạo về công tác dân vận; triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác theo đúng quy chế, kế hoạch công tác đã đề ra; tập trung kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp công tác dân vận với các ban, bộ, ngành Trung ương và ban, sở, ngành địa phương.

Chủ động, kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác nắm tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn có vấn đề phát sinh phức tạp; nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách mới được ban hành về phát triển kinh tế - xã hội.

Quan tâm chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện. Chủ động nắm tình hình dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo. Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo. Nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình các tầng lớp nhân dân để chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy về chủ trương, giải pháp về công tác dân vận đáp ứng yêu cầu tình hình mới...

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; phối hợp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát hiện gương người tốt, việc tốt, tôn vinh và nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu. Tổ chức hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023).
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Sáu tháng đầu năm, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ để thực hiện mục tiêu phát triển, đất nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước. Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quản lý, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, kinh tế - xã hội đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; an sinh xã hội được quan tâm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Đồng chí cho rằng, trong kết quả phát triển chung đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác Dân vận của cả hệ thống chính trị. “Với các kết quả đã đạt được, có thể khẳng định công tác Dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân”. Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, công tác dân vận của hệ thống chính trị 6 tháng qua vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc nắm tình hình ở cơ sở, trong công tác xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán trong tôn giáo ở một số địa phương. "Thời gian tới, toàn ngành Dân vận cần phải quan tâm nhiều hơn nữa để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra"- đồng chí lưu ý.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu ra 06 nhóm nhiệm vụ cơ bản, trong đó yêu cầu Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy kịp thời tham mưu cho cấp uỷ sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương; thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các Ban chỉ đạo về công tác dân vận, công tác tôn giáo.

Với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo, đồng chí lưu ý ngoài việc tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc, cần đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo.

Đồng chí cũng đề nghị Ban dân vận các cấp tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là quan tâm ở những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận các cấp, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý tình huống công tác dân tộc, tôn giáo ở cơ sở. Làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình và đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng thiết thực hơn nữa gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; quan tâm vận động nhân dân thực hiện việc nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Năm 2023 là năm đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện và đề ra những giải pháp quan trọng cho những năm tiếp theo để đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội đảng các cấp. Trong 6 tháng cuối năm, ngành Dân vận phải khắc phục khó khăn, đồng thời tiếp tục nỗ lực với quyết tâm chính trị cao để hoàn thành và hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ được giao, trong đó kết quả công tác dân vận chính là thước đo sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, sức mạnh của nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp đã đề ra./.

Nguồn bài viết: https://dangcongsan.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây