Các đại biểu thảo luận các văn kiện Ðại hội

Thứ năm - 28/01/2021 16:00 240 0

Các đại biểu thảo luận các văn kiện Ðại hội

Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước với Ðoàn đại biểu Ðảng bộ Quân đội. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)

Ngày 27-1, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng làm việc tại hội trường, thảo luận các văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng.

Buổi sáng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Ðoàn Chủ tịch điều hành thảo luận.

Buổi chiều, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, thay mặt Ðoàn Chủ tịch điều hành thảo luận.

23 ý kiến tham luận trong ngày 27-1 bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với các dự thảo văn kiện trình Ðại hội. Nội dung các văn kiện được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, chất lượng, thể hiện sự kết tinh trí tuệ, tư duy về tầm nhìn chiến lược của Ðảng ta và khát vọng phát triển của dân tộc, phù hợp tình hình trong nước và quốc tế hiện nay. Các đại biểu phân tích, làm rõ hơn những vấn đề đặt ra trong văn kiện, cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng đảng bộ.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh yếu tố đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho thành công của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay và những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; các giải pháp về tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

Dự báo nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa có nhiều thuận lợi rất cơ bản, nhưng bốn nguy cơ mà Ðảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn, các ý kiến đại diện cho các lực lượng vũ trang đều khẳng định quyết tâm xây dựng lực lượng chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa…

Nội dung các ý kiến phong phú, với phương pháp tiếp cận đa chiều các vấn đề đặt ra trong văn kiện, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp có tính khả thi ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, nêu cao bài học phát huy phương châm "gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân", để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Những ý kiến tâm huyết góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm nội dung văn kiện về đường lối đối ngoại Ðảng, đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới; về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng, tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiến nghị những giải pháp phát triển hai thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm là các trung tâm lớn của quốc gia về chính trị - hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế...

Khẳng định những đóng góp vào thành tích chung toàn diện của đất nước có vai trò hết sức quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương đề cập xu hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp có tính đột phá, sáng tạo, đổi mới tư duy trong xây dựng nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều nội dung trong văn kiện được các đại biểu làm rõ thêm và cung cấp dữ liệu tổng kết từ thực tiễn, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn những mục tiêu mà văn kiện Ðại hội đặt ra. Trong đó có công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; vấn đề xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021 - 2030; phát huy sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam trong sự phát triển đất nước; về quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội...

Các ý kiến tham luận đồng thời kiến giải nhiều vấn đề vừa có ý nghĩa thực tế, vừa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn; quan tâm hỗ trợ công nhân, phụ nữ, người nghèo... tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; đồng thời nêu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn, phụ nữ trước tình hình mới.

Hôm nay, 28-1, Ðại hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.

Dẫn bài từ Báo Nhân dân

https://nhandan.com.vn/

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây