Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Thứ sáu - 01/11/2024 10:57 5 0
Vừa qua, lợi dụng tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở đất,... gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và nhân dân, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị bất chấp thực tiễn khách quan, tung ra những luận điệu xuyên tạc nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành,... trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đây là vấn đề không mới, nhưng rất nguy hiểm, nhất là vào thời điểm nhạy cảm, cần đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
   1. Thiên tai là những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, xảy ra bất thường, rất khó đoán định, gây ra những tổn thất to lớn về người, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và nhân dân cũng như môi trường sinh thái. Dù không mong muốn, nhưng mỗi khi thiên tai, bão lũ ập đến, thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại nỗ lực hết sức mình để chung tay, góp sức phòng, chống, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân dân sớm vượt qua khó khăn, hoạn nạn, ổn định cuộc sống. Vậy mà, một số đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị cấu kết với những cơ quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam tung tin sai trái, với lời lẽ bình luận ác ý, vô lương tâm về nguyên nhân gây ra thiên tai ở nước ta. Họ cố tình xuyên tạc cho rằng: tình hình bão lũ ở miền Bắc, miền Trung những năm qua “do thiên tai thì ít mà nhân tai thì nhiều”; đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước ta “không có chiến lược phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; không có phương án phòng ngừa bão lũ hiệu quả”; “không tìm cách cảnh báo kịp thời ở những chỗ nguy hiểm”,... khiến hàng trăm dân thường bị thiệt mạng oan.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, động viên nhân dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên sớm vượt qua khó khăn. Ảnh: baochinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, động viên nhân dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên sớm vượt qua khó khăn. Ảnh: baochinhphu.vn
Đó là những luận điệu hoàn toàn trái với sự thật, gây nghi ngờ, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Chúng ta đều biết, với phương châm “chủ động phòng ngừa là chính”, “phòng còn hơn chống”, “bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết”, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa, nhằm hạn chế, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã thể hiện rất rõ quyết tâm của toàn Đảng, hệ thống chính trị đối với công tác quan trọng này. Hệ thống pháp luật của Nhà nước thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khắc phục sự chồng chéo, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đáng chú ý, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Quốc hội đã ban hành các luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, như: Luật Phòng, chống thiên tai 2013, Luật Khí tượng Thủy văn 2015; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, v.v. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đặt ra mục tiêu là “chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm nâng cao khả năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, như: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, tin cậy; việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và toàn dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v.

Tuy nhiên, trước tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu đã, đang làm gia tăng tần suất, cường độ và sự tàn phá của các cơn bão, gây mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất trên diện rộng. Thực tế cho thấy, thiên tai không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả những nước phát triển cũng không ngăn được “sự giận dữ của thiên nhiên”, vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Điển hình như: tháng 7/2021, đợt mưa, lũ quét nghiêm trọng ở châu Âu, kéo theo một loạt các nước chịu ảnh hưởng từ Đức, Hà Lan tới Áo, Bỉ, Séc, Thụy Sĩ,... khiến hơn 200 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích, bị thương, phá hủy, cuốn trôi nhiều cơ sở hạ tầng, nhà cửa. Tháng 6/2022, đợt lũ lụt kinh hoàng ở Pakistan khiến cho 30% diện tích chìm trong nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 33 triệu dân, gây thiệt hại khoảng 30 tỉ USD. Còn tại Mỹ, theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia, trong vòng 5 năm qua, nước Mỹ đã thiệt hại gần 750 tỉ USD vì thiên tai. Chỉ tính riêng trong năm 2023, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại gần 93 tỉ USD và ít nhất 492 người tử vong, v.v. Điều đó cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương, đường lối, chiến lược lâu dài cùng nhiều biện pháp đồng bộ để phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhưng thiên tai vẫn xảy ra là điều “bất khả kháng”, chứ không phải chỉ Việt Nam mới bị thiên tai và càng không phải do lỗi chủ quan của Đảng, Nhà nước ta như các thế lực xấu vẫn rêu rao, bình luận.

2. Cùng với xuyên tạc về nguyên nhân gây ra thiên tai đối với Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động còn trắng trợn vu cáo “về sự thờ ơ, vô cảm của các cấp chính quyền” trước nỗi đau, mất mát của nhân dân. Đặc biệt gần đây, khi tổ chức đảng các cấp chuẩn bị bước vào đại hội nhiệm kỳ, họ gán ghép, xuyên tạc rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nhăm nhăm lo chuyện đại hội, bầu bán nhân sự, chia chác quyền lực để cố giữ vai trò độc tôn lãnh đạo xã hội” không có “quyết sách kịp thời giúp dân, hỗ trợ dân”, “để dân tự bơi”, “tự chống”, “sống chết mặc dân”. Đây là những luận điệu vô căn cứ, phi thực tiễn, “bóp méo sự thật” hòng công kích, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Họ đã vin cớ vào những điều bất khả kháng đối với thiên tai để chĩa mũi dùi vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Song họ đã nhầm, bởi đã từ lâu Đảng, Nhà nước ta luôn xác định rõ rằng: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn,... là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và đó là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình.

Điều đó được khẳng định khi mới đây (đầu tháng 9/2024), cơn bão số 3 (Yagi)1 - một siêu bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, trên diện rộng đổ bộ vào nước ta, Bộ Chính trị đã họp nghe báo cáo tình hình, ra kết luận lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Đồng thời, tăng cường thông tin, thông báo cho người dân chủ động phòng, tránh; kịp thời hỗ trợ nhân dân ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ”2. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của bão, lũ, sạt lở, ngập úng. Các cấp, ngành, địa phương đã phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị Quân đội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn, coi đây là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Quân đội”. Do đó, khi có tình huống phải khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn ở bất cứ nơi đâu thì cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội trên địa bàn luôn có mặt sớm nhất, nơi khó khăn, phức tạp, nguy hiểm nhất. Nhờ đó, đã góp phần giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; tích cực, chủ động trong tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái sơ tán nhân dân khỏi vùng ngập lụt do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra. Ảnh: qdnd.vn
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái sơ tán nhân dân khỏi vùng ngập lụt do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra. Ảnh: qdnd.vn 
  3. Khi bão lũ đi qua, Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do sức tàn phá quá lớn, trên phạm vi rộng, nên công tác khắc phục không chỉ xong trong một sớm, một chiều; thậm chí một số nơi, do bị bão lũ ngăn cách, cô lập; địa hình hiểm trở, khó khăn cho các lực lượng tiếp cận hiện trường, nên thiệt hại là không tránh khỏi. Lợi dụng thực tế này và với mưu đồ chính trị thấp hèn, các thế lực thù địch, phản động lại đơm đặt, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước “thiếu tích cực trong cứu giúp nhân dân”. Không những thế, họ còn vu cáo “Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng tìm cách ngăn cản, cấm đoán các cá nhân hảo tâm, tổ chức phi chính phủ tham gia cứu trợ nhân đạo, mặc cho người dân vùng lũ phải chịu cảnh khốn cùng”, v.v. Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, bịa đặt, thể hiện rõ bản chất, bộ mặt xấu xa, vô nhân tính của những kẻ cố tình chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta.

Thực tiễn cho thấy, trước diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề mà cơn bão số 3 gây ra, Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo khẩn trương khắc phục thiệt hại, giúp nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống, khôi phục sản xuất. Theo đó, Chính phủ đã lập tức ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra; Thủ tướng Chính phủ có nhiều công điện chỉ đạo công tác về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ, sạt lở, ngập úng; bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy điện, v.v. Đồng thời, kịp thời trích quỹ dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ ngay cho các địa phương. Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã xuống tận nơi “rốn lũ” để thị sát, nắm tình hình, động viên đồng bào và trực tiếp chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả đã cho thấy sự gần dân, thấu hiểu, chia sẻ với nỗi đau của nhân dân, mang lại niềm tin, ý chí vượt khó, vươn lên, sớm ổn định cuộc sống. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã không quản ngày đêm, khó khăn, vất vả, lội suối, băng rừng, ngâm mình trong nước lũ để hỗ trợ nhân dân, “không để ai thiếu cái ăn, cái mặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể địa phương và sự dấn thân, xông pha của “Bộ đội Cụ Hồ” - vì nhân dân quên mình, hết lòng giúp đỡ nhân dân đã để lại hình ảnh, biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ thì càng trong gian khó tinh thần “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc ta lại được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra và huy động được hơn 1.646 tỉ đồng, phân bổ hỗ trợ cho các địa phương, đồng bào bị thiệt hại. Không những thế, để thiết thực hướng về nhân dân vùng bão, lũ, góp phần khắc phục hậu quả, chia sẻ với mất mát, khó khăn của đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, Bộ Quốc phòng đã quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024); Thành phố Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa, dừng trình diễn nghệ thuật ánh sáng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), v.v.

Đối với các tổ chức, cá nhân có hảo tâm, thiện nguyện đều được cấp ủy, chính quyền các địa phương hướng dẫn thực hiện quyên góp, ủng hộ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật; được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong tổ chức các hoạt động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng bão, lũ. Đã có hàng trăm chuyến xe chở hàng cứu trợ của đồng bào ta trên khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài đến với nhân dân vùng lũ lụt, sạt lở đất,... khẳng định tình đoàn kết, chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Đây là bằng chứng không thể phủ nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Chính vì thế, bất kể ai, thế lực nào cố tình làm ngơ, xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong công tác này đều là những kẻ “ngược dòng”, phá bĩnh, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần bị vạch trần, đấu tranh, bác bỏ.

Đại tá, TS. BÙI THANH CAO, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự, Học viện Chính trị
_________________
_

1 - Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông và trong 70 năm trên đất liền đổ bộ vào nước ta.

2 - Gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Tác giả: Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây