Bộ GTVT dẫn đầu chuyển đổi số giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Thứ hai - 14/08/2023 09:56 183 0
Theo công bố của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ GTVT là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023.

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành GTVT giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi lớn, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) về nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số thành công bằng những mục tiêu, chính sách cụ thể, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số không chạy theo số lượng

Thưa ông, để có được kết quả trên, Bộ GTVT đã triển khai những việc làm cụ thể nào?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngay từ năm 2020, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số của ngành và yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai.
 

Việc xây dựng chính phủ điện tử được lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo bộ đã chủ trì nhiều cuộc họp chuyên đề và triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06.

Ban đầu, việc thực hiện vẫn theo mô típ cũ, dàn trải trong khi nguồn lực lại có hạn đã không mang lại nhiều hiệu quả.

Khi về nhận nhiệm vụ tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã định hướng lại, từ nay đến năm 2025 phải tập trung vào 2 nội dung chính.

Trước hết là cung cấp dữ liệu dịch vụ công cho người dân một cách thuận tiện nhất.

Trước đây, việc cung cấp chạy theo số lượng, làm sao cho nhiều nhất, đến nay bộ trưởng yêu cầu tập trung vào chất lượng, làm sao cho người dân, doanh nghiệp thực hiện được nhiều nhất.
 

Để người dân không phải đến tận nơi làm thủ tục, Bộ GTVT phải kết nối nhiều cơ sở dữ liệu. Các cục, vụ phải tạo lập cơ sở dữ liệu của từng lĩnh vực và kết nối với dịch vụ công trực tuyến để hướng tới cung cấp dịch vụ công cho người dân từ khâu nộp hồ sơ, giải quyết các bước đều thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến.

Đến nay, có 3 lĩnh vực được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ công nhất là đường bộ, đăng kiểm và hàng hải.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về việc triển khai ở từng lĩnh vực?

Về đường bộ, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh xác thực GPLX trên ứng dụng VNeID; giao Cục Đường bộ VN hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu GPLX với dữ liệu quốc gia về dân cư (đã thực hiện đối soát hơn 35 triệu GPLX); mở rộng triển khai đổi GPLX trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia trong phạm vi toàn quốc.
 

Đây là dịch vụ công được Liên hợp quốc đánh giá chỉ số phát triển chính phủ điện tử của các quốc gia. Bộ GTVT làm tốt việc này giúp chỉ số của quốc gia được thăng hạng.

Từ tháng 3/2023, bộ đã phối hợp với Bộ Công an kết nối dữ liệu xử lý vi phạm giao thông; phối hợp với Bộ Y tế kết nối với hơn 1.300 cơ sở y tế, cung cấp hơn 630.000 giấy khám sức khỏe điện tử. Trong 6 tháng đầu năm, các sở GTVT đã cấp hơn 11.000 GPLX trực tuyến.

Đối với lĩnh vực đăng kiểm và hàng hải, trong 6 tháng đầu năm 2023, tập trung tái cấu trúc quy trình triển khai theo hướng sử dụng dữ liệu dân cư, thực hiện trực tuyến thay vì nộp và lưu giữ hồ sơ giấy như trước đây.
* Sẽ có dữ liệu chung về phương tiện người lái trong năm nay

Hiện nay, Bộ GTVT đang quyết tâm xây dựng bộ dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng, cơ bản cuối năm nay, sẽ hoàn thành dữ liệu chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện ở cả 5 lĩnh vực và đến tháng 6/2024, hoàn thành dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong đó, dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông phải số hóa toàn bộ sao cho theo dõi được các công trình giao thông giống như lý lịch con người.

Đối với dữ liệu phương tiện, tới đây sẽ thống nhất quản lý hoạt động trong đăng kiểm và kinh doanh vận tải. Trong khi đó, dữ liệu về người điều khiển phương tiện sẽ được sử dụng trong giám sát đào tạo sát hạch, cấp đổi GPLX.

Hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu của Bộ GTVT được thực hiện theo hướng làm đến đâu, chia sẻ đến đó và được kết nối với 7 bộ, 20 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi tháng chia sẻ 5-7 triệu dữ liệu cho các đơn vị.

Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc quản lý giao thông ở các đô thị thông minh khi muốn kiểm soát các phương tiện ra vào nội đô, tải trọng xe khi lưu thông qua các cầu hoặc tình trạng xe đi vào đường cấm.

Ngoài ra, tới đây cũng nghiên cứu hình thành định danh điện tử phương tiện tham gia giao thông bao gồm các thông tin về thẻ dán, về phương tiện. Từ đó, thu hút nhiều nhà cung cấp dịch vụ tham gia để hỗ trợ người dân chi trả phí đăng kiểm, bến bãi hoặc nộp phạt vi phạm …

Đây chính là bước chuẩn bị để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông. Về vấn đề ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý vận hành giao thông, vấn đề lớn nhất hiện nay là chia sẻ cơ sở dữ liệu và điều khiển liên vùng.

Đối với cao tốc Bắc - Nam, cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 khi phê duyệt dự án đều có quy định ứng dụng giao thông thông minh, hướng tới hình thành trung tâm điều hành chung hệ thống giao thông đường cao tốc nói riêng và đường bộ nói chung.

Từ thực tế vừa qua, theo ông, để chuyển đổi số mạnh mẽ, vấn đề quan trọng nhất là gì?

Khó khăn lớn nhất là vấn đề nhận thức và sự vào cuộc của người đứng đầu. Bộ trưởng rất sát sao, quyết liệt chỉ đạo việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số của ngành trong từng cuộc họp và đã có tác động rất lớn đến người đứng đầu các cục, vụ.

Tuy nhiên tinh thần này lại chưa được lan tỏa mạnh mẽ xuống các bộ phận trực tiếp thực hiện ở các cục, vụ này nên khi bắt tay vào làm sẽ gặp nhiều rào cản.

Khó khăn thứ hai đến từ thể chế, hiện nay thể chế đang được xây dựng phục vụ cho việc thực hiện thủ công, chưa phải là thể chế cho ứng dụng việc chuyển đổi số.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức một cách thường xuyên, liên tục, cũng cần phải rà soát các vấn đề về thể chế để dần tháo gỡ.

Việc đứng đầu bảng xếp hạng là một sự ghi nhận kịp thời. Tuy nhiên, để có thể làm tốt hơn nữa, theo ông đâu là giải pháp cần thiết?

Tới đây việc ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ GTVT sẽ được định hướng tập trung vào quản lý giám sát phương tiện, người điều khiển phương tiện trong hoạt động quản lý vận tải để kéo giảm TNGT.

Ngoài ra, ở lĩnh vực đường bộ, bộ sẽ duyệt đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Cục Đường bộ VN, trong đó có các giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể.

Đối với lĩnh vực đăng kiểm, Cục Đăng kiểm đang xây dựng để trình Bộ GTVT về Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đặc biệt, thời gian tới, bộ cũng sẽ thúc đẩy tích hợp GPLX trên ứng dụng VneID; mở rộng ứng dụng sinh trắc học cho khách đi tàu bay trên toàn quốc; mở rộng sử dụng thu phí không dừng tại các cảng hàng không, sân bay…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây